Chè Việt Nam, càng xuất khẩu nhiều càng mất giá

Mặc dù Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu chè, nhưng giá bán lại chỉ bằng một nửa so với mặt bằng giá chung trên thế giới.

Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, ông Nguyễn Kim Phong, nói gì về nghịch lý này?

Thưa ông, tình hình sản xuất và tiêu thụ chè hiện nay có những điểm gì đáng lưu ý?

Trong 9 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu chè ước đạt gần 100 nghìn tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2008; kim ngạch xuất khẩu 126 triệu USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, chè đen chiếm 65% về khối lượng và 62% về giá trị; chè xanh chiếm 33% về khối lượng và 34% về giá trị; còn lại là các loại chè khác. Đơn giá xuất khẩu bình quân đạt 1.282 USD/tấn, giảm đôi chút so với năm 2008.

Những thị trường nhập khẩu chè của Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh như Nga, Pakistan, Ấn độ, Indonesia, Trung Quốc, Đài Loan.

Theo quy hoạch, đến năm 2010 cả nước có 100 nghìn ha, nhưng đến nay diện tích trồng chè đã vượt quy hoạch, đạt 131 nghìn ha. Bởi vậy chúng tôi đã kiến nghị nâng quy hoạch lên 150 nghìn ha vào năm 2015.

Từ năm 1993 trở về trước, sản phẩm chè Việt Nam chỉ xuất khẩu sang 3 nước là Nga, Anh và Trung Quốc, nay đã mở rộng thị trường tiêu thụ lên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá chè xuất khẩu lại liên tục giảm dần trong suốt 10 năm qua. Đơn giá xuất khẩu bình quân của chè Việt Nam vào năm 2008 là 1,8 USD/kg; năm 2002 là 1,6 USD/kg; nhưng hiện nay chỉ đạt 1,2-1,3 USD/kg.

Trong khi bình quân giá chè nguyên liệu trên thị trường thế giới hiện là 2,2 USD/kg. Nếu so với Srilanka đang bán chè với giá 2,4-2,6 USD/kg, thì giá xuất khẩu chè của nước ta chỉ bằng một nửa.

Nghịch lý là chè Việt Nam càng xuất khẩu nhiều, càng sụt giá là vì sao, thưa ông?

Hiện 95% khối lượng chè nước ta được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, chỉ có 5% được xuất khẩu dưới dạng thành phẩm.

Chênh lệch giữa giá bán thành phẩm và nguyên liệu gấp 5-10 lần. Một số khách hàng tại Anh, mua chè nguyên liệu từ Việt Nam chỉ với giá 1,3 USD/kg, nhưng khi chế biến thành phẩm, họ bán với giá 9,8 USD/kg. Bên cạnh đó, có quá nhiều nhà máy chế biến chè được cấp phép, dẫn đến tình trạng có những vùng nguyên liệu chỉ đủ cung cấp cho 1 nhà máy, nhưng có tới 7-8 nhà máy tranh mua nguyên liệu, gây lãng phí tiền của nhân dân, đồng thời tạo ra nhiều vấn đề cạnh tranh không lành mạnh.

Cả nước hiện có 690 nhà máy chế biến chè, chưa kể hàng vạn lò thủ công chế biến chè. Trong khi với diện tích trồng chè 131 nghìn ha, chúng ta chỉ cần khoảng 200 nhà máy chế biến. Các nhà máy thiếu nguyên liệu nên dẫn đến phải “vơ bèo vạt tép” để sản xuất, đó chính là nguyên nhân đưa đến chất lượng kém, gây ảnh hưởng đến uy tín của chè Việt Nam.